Quy định mới về việc xử lý các giếng không còn sử dụng

Theo thông tư 72/2017/TT-BTNMT mới được bộ tài nguyên và môi trường ban hành ngay 29/12/2017.

Thông tư quy định về xử lý, trám lấp các loại giếng khoan, lỗ khoan, giếng đào sau khi sử dụng xong hoặc bị hỏng (sau đây gọi tắt là giếng không sử dụng) trong hoạt động thăm dò, khai thác nước dưới đất, khoan khảo sát địa chất công trình, thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, tháo khô mỏ, nghiên cứu, điều tra, đánh giá nước dưới đất, và các hoạt động khoan, đào khác.

Việc xử lý, trám lấp các loại giếng khoan tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và các giếng khoan địa nhiệt không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

Phải tuân thủ các quy trình trong quá trình thực hiện ( Ảnh Minh họa)

Nguyên tắc xử lý, trám lấp giếng không sử dụng phải bảo đảm thực hiện kịp thời, ngăn chặn nước, chất bẩn từ trên mặt đất xâm nhập vào các tầng chứa nước và sự lưu thông giữa các tầng, lớp chứa nước khác nhau qua giếng. Tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất.

Thông tư cũng quy định cụ thể về phân loại giếng không sử dụng để xử lý, trám lấp.

Đối với các giếng khai thác nước dưới đất thuộc trường hợp không phải xin phép khai thác, sử dụng nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, bao gồm các giếng không sử dụng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Giếng có thể tiếp tục khai thác, nhưng chủ giếng không có nhu cầu tiếp tục khai thác, sử dụng nước và không có kế hoạch để sử dụng cho các mục đích khác;

b) Giếng không sử dụng nằm trong phạm vi bị thu hồi đất, giải phóng mặt bằng mà tổ chức, cá nhân nhận bàn giao mặt bằng không sử dụng;

c) Giếng bị hỏng không khắc phục được; giếng không thể tiếp tục khai thác do bị ô nhiễm, chất lượng nước không đáp ứng yêu cầu cho mục đích sử dụng hoặc do các nguyên nhân khác;

d) Giếng mà chủ giếng vi phạm pháp luật về tài nguyên nước, đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp buộc phải trám lấp giếng theo quy định của pháp luật.

Đối với các giếng khai thác nước dưới đất của công trình khai thác thuộc trường hợp phải xin phép khai thác, sử dụng nước (sau đây gọi tắt là giấy phép) theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, bao gồm các giếng không sử dụng thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Giếng thuộc công trình khai thác nước dưới đất đã có giấy phép, nhưng chủ giấy phép trả lại giấy phép hoặc điều chỉnh giấy phép, trong đó có việc điều chỉnh giếng khai thác hoặc giếng quan trắc hoặc giấy phép bị thu hồi vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và đã được Nhà nước bồi thường, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp quy định tại Điểm này thì việc xử lý, trám lấp giếng được thực hiện sau khi đã hoàn thành việc trả lại, thu hồi hoặc điều chỉnh giấy phép theo quy định của pháp luật.

b) Giếng thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thuộc công trình khai thác nước dưới đất phải xin phép theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước mà không có giấy phép và bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp buộc phải trám lấp giếng theo quy định của pháp luật;

c) Giếng thuộc công trình khai thác nước dưới đất phải xin phép theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước mà không đủ điều kiện để được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, gia hạn giấy phép và có yêu cầu phải trám lấp giếng theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

Đối với các giếng không sử dụng không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, bao gồm:

a) Giếng khoan thăm dò nước dưới đất mà chủ giấy phép xác định đã hoàn thành nhiệm vụ và không sử dụng để khai thác hoặc quan trắc;

b) Giếng khoan quan trắc nước dưới đất của mạng lưới quan trắc tài nguyên nước mà đơn vị quản lý, vận hành xác định đã bị hỏng, không thể khắc phục hoặc phải thay đổi vị trí hoặc vì các lý do khác mà không thể tiếp tục quan trắc;

c) Giếng khoan thuộc các dự án nghiên cứu, điều tra, đánh giá nước dưới đất mà đơn vị thực hiện dự án xác định đã sử dụng xong và không có nhu cầu, kế hoạch sử dụng cho các mục đích khác;

d) Giếng sử dụng để tháo khô mỏ, hố móng, giếng khoan thuộc các dự án nghiên cứu, điều tra, tìm kiếm, thăm dò địa chất và khoáng sản; giếng khoan khảo sát địa chất công trình (trừ giếng khoan thuộc phạm vi hố móng và được thi công ngay sau đó) mà chủ giếng xác định đã sử dụng xong và không có nhu cầu, kế hoạch sử dụng cho các mục đích khác hoặc bị hư hỏng không thể tiếp tục sử dụng;

đ) Giếng tồn tại trên thực tế nhưng không sử dụng và không xác định được chủ giếng;

e) Giếng khoan gây ra sự cố sụt, lún đất, làm ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng nước dưới đất hoặc gây sự cố bất thường khác ảnh hưởng đến công trình xây dựng và đời sống của cộng đồng dân cư trong khu vực lân cận;

g) Giếng khoan bị sự cố trong quá trình khoan và không thể khắc phục được hoặc giếng khoan chưa hoàn thành nhưng buộc phải thay đổi vị trí khoan.

Thông tư gồm 03 chương, 14 Điều. Chương I: Quy định chung; Chương II: Quy định cụ thể về: Xử lý, trám lấp giếng khai thác nước dưới đất thuộc trường hợp không phải xin phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Xử lý, trám lấp giếng khai thác nước dưới đất thuộc trường hợp phải xin phép khai thác, sử dụng nước dưới đất; Xử lý, trám lấp giếng khoan thăm dò nước dưới đất; Xử lý, trám lấp giếng khoan quan trắc nước dưới đất, giếng khoan thuộc các dự án nghiên cứu, điều tra, đánh giá nước dưới đất, giếng tháo khô mỏ và hố móng, giếng khoan thuộc các dự án nghiên cứu, điều tra, tìm kiếm, thăm dò địa chất và khoáng sản, khảo sát địa chất công trình; Xử lý, trám lấp giếng khoan bị sự cố. Chương III: Tổ chức thực hiện và Điều khoản thi hành.

Về chế độ báo cáo, Thông tư quy định định kỳ, sáu (06) tháng một lần, ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp danh sách giếng đã trám lấp trên địa bàn và gửi báo cáo tới phòng TN&MT các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là phòng TN&MT cấp huyện).

Định kỳ, sáu (06) tháng một lần, phòng TN&MT cấp huyện tổng hợp, lập danh sách giếng đã trám lấp trên địa bàn, báo cáo sở TN&MT.

Định kỳ, trước ngày 15 tháng 12 hằng năm, sở TN&MT báo cáo bộ TN&MT (qua cục Quản lý tài nguyên nước) và ủy ban nhân dân cấp tỉnh về thực hiện việc xử lý, trám lấp giếng không sử dụng trên địa bàn.

Về điều khoản chuyển tiếp, Thông tư quy định cụ thể như sau:

Đối với trường hợp giếng không sử dụng phải trám lấp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt danh mục giếng phải trám lấp theo quy định tại Quyết định số 14/2007/QĐ-BTNMT ngày 04 tháng 9 năm 2007 của bộ TN&MT trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, thì tiếp tục thực hiện theo quyết định đã phê duyệt.

Đối với giếng khai thác nước dưới đất không sử dụng phải trám lấp thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 và Điểm đ Khoản 3 Điều 4 Thông tư này mà chưa thi công trám lấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, việc trám lấp được thực hiện như sau:

a) Căn cứ điều kiện cụ thể ở từng địa phương, sở TN&MT chủ trì, phối hợp với phòng TN&MT cấp huyện, ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức điều tra, thống kê, rà soát, phân loại và lập danh mục giếng không sử dụng phải trám lấp;

b) Danh mục giếng không sử dụng phải trám lấp, bao gồm danh sách từng giếng không sử dụng phải trám lấp, được phân loại theo quy định tại Khoản 1 và Điểm đ Khoản 3 Điều 4 Thông tư này. Mỗi giếng bao gồm các nội dung chủ yếu: tên, địa chỉ của chủ giếng và giếng phải trám lấp; loại giếng (giếng khoan, lỗ khoan, giếng đào); đường kính, chiều sâu giếng; tình trạng thực tế của giếng; lý do phải trám lấp và kế hoạch trám lấp; các thông tin khác liên quan đến việc trám lấp giếng (nếu có);

c) Sở TN&MT gửi dự thảo danh mục giếng không sử dụng phải trám lấp tới ủy ban nhân dân cấp xã để niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc. Đối với trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 4 Thông tư này thì còn phải thông báo bằng văn bản cho chủ giếng về việc trám lấp. Trong thời hạn niêm yết công khai, chủ giếng có quyền đề nghị đưa ra khỏi danh mục và nêu rõ lý do. Trường hợp chưa có trong danh mục giếng không sử dụng phải trám lấp nhưng chủ giếng xác định không sử dụng, thì chủ giếng đề nghị bổ sung vào danh mục;

d) Trên cơ sở kết quả niêm yết, thông báo theo quy định tại Điểm c Khoản này và đề nghị của chủ giếng, sở TN&MT rà soát, hoàn thiện danh mục giếng không sử dụng phải trám lấp, trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt;

 

đ) Trên cơ sở danh mục giếng không sử dụng phải trám lấp đã được phê duyệt, sở TN&MT chủ trì, phối hợp với ủy ban nhân cấp xã thông báo tới chủ giếng để thi công trám lấp giếng theo quy định tại Thông tư này;

e) Đối với trường hợp giếng phải trám lấp trong danh mục giếng không sử dụng phải trám lấp mà không xác định được chủ giếng thì sở TN&MT chủ trì, phối hợp với ủy ban nhân dân cấp huyện, ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thi công trám lấp. Việc thi công trám lấp phải đảm bảo hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2022.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ 12/02/2018 và bãi bỏ Quyết định số 14/2007/QĐ-BTNMT ngày 04 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng bộ TN&MT ban hành Quy định về việc xử lý, trám lấp giếng không sử dụng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Quy  Định cụ thể: Các Bạn xem tại đây.

Theo Monre.gov.vn